top of page
Tìm kiếm

Quỹ Bảo trợ trẻ em VN và Grab VN khởi công xây dựng thêm hai cây cầu thuộc dự án “Xây cầu đến lớp”

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTEVN, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Grab Việt Nam vừa chính thức khởi công xây dựng hai cầu liên hợp đập tràn qua suối tại bản Huổi Pết, xã Nậm Hàng và bản Nậm Ô, xã Nậm Ban trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.

Quỹ Bảo trợ trẻ em VN và Grab VN khởi công xây dựng thêm hai cây cầu thuộc dự án “Xây cầu đến lớp”

Đây là cây cầu thứ 7 và 8 thuộc dự án “Xây cầu đến lớp” do Quỹ BTTEVN và Grab Việt Nam phối hợp triển khai. Dự án nhằm tạo điều kiện cho trẻ em vùng khó khăn có cơ hội đến lớp thuận tiện, an toàn hơn, giúp cải thiện môi trường sống, phát triển xã hội và kinh tế của địa phương, đồng thời góp phần thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là một trong những dự án thiết thực nhằm thực hiện sứ mệnh Grab Vì Cộng Đồng của Grab tại Việt Nam.


Các công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng, lập kế hoạch và lựa chọn đơn vị thi công đã được Quỹ BTTEVN, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Lai Châu, UBND huyện Nậm Nhùn và Grab Việt Nam phối hợp hoàn tất vào tháng 1/2023. Hai công trình cầu liên hợp đập tràn này có tổng kinh phí thực hiện 2,1 tỷ đồng, trong đó 1,7 tỷ đồng do Grab Việt Nam và người dùng Grab ủng hộ, cùng với 400 triệu đồng đối ứng từ địa phương. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ giúp hơn 7.000 em học sinh, giáo viên và người dân của hai xã Nậm Hàng và Nậm Ban đi lại an toàn, thuận lợi, tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa để phát triển kinh tế địa phương.


Bản Nậm Ô tại trung tâm xã Nậm Ban, thành phần dân tộc chủ yếu là dân tộc Mảng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 40%, dân cư sống tập trung dọc theo suối Nậm Ban. Cộng đồng dân cư bản Nậm Ô chủ yếu là dân tộc Mảng, thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Khu vực này thường xảy ra hiện tượng sạt lở, đứt gãy vào mùa mưa lũ, gây khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho hơn 650 học sinh, trẻ em và 32 giáo viên tại các điểm trường.


Tương tự, bản Huổi Pết cách trung tâm xã khoảng 5km, thành phần dân tộc chủ yếu là dân tộc Mông. Học sinh, trẻ em tại các điểm trường hàng ngày phải đi qua khu vực thường xảy ra hiện tượng sạt lở, đứt gãy vào mùa mưa lũ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập và giảng dạy của thầy cô giáo và các em học sinh.

Ông Đinh Tiến Hải – Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết: “Trẻ em có vai trò quan trọng đối với gia đình và xã hội, sự phát triển của trẻ em có ý nghĩa sống còn đối với tương lai của dân tộc. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy công tác này, trong đó có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Xã hội hóa công tác trẻ em đã tạo ra sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có Grab Việt Nam. Ngoài hoạt động kinh doanh, Grab Việt Nam đã rất tâm huyết tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội tại Việt Nam. Những năm gần đây, Grab là người bạn đồng hành cùng với Quỹ BTTEVN phát động kêu gọi ủng hộ và hỗ trợ cho trẻ em tại các vùng khó khăn”.


Ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi có thêm hai cây cầu trong dự án “Xây cầu đến lớp” được khởi công và dự kiến sẽ bàn giao trong năm nay. Chúng tôi hiểu rằng việc góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng tại những khu vực như bản Nậm Ô và bản Huổi Pết có ý nghĩa thiết thực đối với các em học sinh, giáo viên và người dân địa phương nói chung. Vì vậy, với sự trợ lực từ người dùng Grab, chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội cùng với những tổ chức uy tín tiếp tục thực hiện nhiều dự án có ý nghĩa hơn nữa để góp phần mang đến những thay đổi tích cực ở những cộng đồng còn nhiều khó khăn tại Việt Nam”.


Trong khuôn khổ dự án “Xây cầu đến lớp”, tính đến nay Quỹ BTTEVN và Grab Việt Nam đã xây dựng và đưa vào sử dụng 6 công trình cầu dân sinh, trong đó gồm hai cây cầu ở Vĩnh Long, hai cây cầu ở Hà Giang, một cây cầu ở Tiền Giang, một cây cầu ở Quảng Trị.

Comments


Commenting has been turned off.
bottom of page