Đã bao lâu rồi chúng ta “nghe nói” về một công nghệ mới, đột phá được Apple trang bị lên iPhone. Những năm gần đây, Apple đã khiến nhiều Fan Táo có cảm nhận Apple đang biến mình thành “kẻ theo đuôi công nghệ”.
Những cải tiến của các thế hệ iPhone cũng như iOS, iPadOS thời gian gần đây hầu như đều đi sau và cóp nhặt lại từ Android, đặc biệt là Samsung. Điều này khiến Apple dường như không còn là doanh nghiệp tiên phong về đổi mới và khiến một lượng Fan đi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Năm nào cũng vậy, họ cũng trông chờ một điều mới mẻ, đột phá, nhưng “giấc mơ vẫn là giấc mơ”.
Chậm đổi mới, chăm cóp nhặt
Apple đã từng tiên phong trong làng công nghệ khi ra mắt thế hệ smartphone với màn hình toàn cảm ứng đầu tiên trên thế giới, được xem là doanh nghiệp mở ra thời đại điện thoại thông minh hiện đại. Sau đó là một loạt công nghệ như cảm biến vân tay, rồi Face ID ... Nhưng sự sáng tạo và tiên phong ấy dường như đang chững lại và dần biến mất.
Nhiều năm gần đây, các thế hệ iPhone ra mắt với thiết kế gần như tự sao chép của nhau mà không có sự thay đổi đáng kể. Thậm chí, đến cả con gái út của Steve Jobs cũng không còn hào hứng vì sự giống nhau đáng kế giữa iPhone 13 series và 14 series. Xu hướng này dường như tiếp tục lặp lại khi các tin đồn thời gian gần đây xác nhận iPhone 15 series sẽ không có thay đổi nào đáng kể về mặt thiết kế, trừ việc “bo tròn hơn” ở phần cạnh viền.
Một trong những thay đổi đáng kể nhất là sự xuất hiện cổng USB-C thay cho Lightning truyền thống chỉ là kết quả của yêu cầu bắt buộc, không thể tránh khỏi do Liên minh châu Âu đưa ra. Trong khi cả ngành công nghiệp di động, từ smartphone tới PC, laptop, thiết bị thông minh… hướng đến chuẩn USB-C chung với khả năng truyền tải dữ liệu và điện năng cao hơn, hiệu quả hơn mà Apple lại vẫn muốn “ôm khư khư” cổng Lightning độc quyền cho tới khi họ buộc phải thay đổi để được tiếp tục bán iPhone tại châu Âu. Nếu không phải nhờ EU, liệu đến bao giờ người dùng iPhone mới được trải nghiệm công nghệ sạc nhanh thực sự?
Các trang bị phần cứng trên iPhone đều đang đi chậm hơn so với toàn ngành di động nói chung. Camera tiềm vọng với khả năng zoom 5x hoặc 6x hay RAM 8 GB, 12 GB, màn hình khuyết Dynamic Island… có trên iPhone 15 series sắp ra mắt như các tin đồn xác nhận đều là những thứ đã có từ lâu và phổ biến trong thế giới Android. Thậm chí, Samsung – đối thủ lớn nhất của Apple hiện tại trong mảng smartphone, đồng thời là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đã cho ra mắt những mẫu điện thoại cao cấp như Samsung Galaxy S23 Ultra có khả năng zoom quang tới 10x và zoom số lên đến 100x từ cách đây vài năm.
Về phần mềm, iOS- nền tảng độc quyền chỉ có trên iPhone cũng thiếu hụt nhiều tính năng so với Android của Google vốn đang là hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới. Trải qua nhiều lần thay đổi và chỉnh sửa, Apple luôn tự hào giới thiệu là “sáng tạo”, “đột phá”, “chưa từng có”. Song giới quan sát và người dùng nhận ra đó chỉ là những tính năng được sao chép, học hỏi từ Android và chỉnh sửa cho phù hợp với phần cứng cũng như định hướng của Apple. Hoàn toàn không có sự đổi mới hay khác biệt đáng kể nào đủ để tạo nên tính cạnh tranh hay độc nhất.
Tương lai lại tiếp tục “đuổi theo” thị trường?
Apple dưới thời Steve Jobs luôn được đánh giá cao về khả năng tạo ra xu hướng, khiến nhiều hãng đối thủ phải học hỏi để không bị tụt lại phía sau. Nhưng câu chuyện này giờ đây đã khác khi công nghệ thay đổi không ngừng, các nhà sản xuất điện thoại chẳng ngần ngại đầu tư cho nghiên cứu và phát triển để dẫn dắt xu thế, hoặc có hướng đi riêng, trở nên khác biệt với phần còn lại. Trong bối cảnh điện thoại thẳng dần trở nên nhàm chán, nhiều nguồn tin cho rằng Apple đang phát triển mẫu điện thoại màn hình gập của riêng mình.
Nếu là sự thực thì đây là một minh chứng về sự chậm chân của Apple so với các nhà sản xuất Android. Những thông tin rò rỉ về các hồ sơ đăng ký sáng chế màn hình uốn cong hay thiết bị gập đã xuất hiện trên mạng khoảng 2-3 năm nhưng tới nay Táo này vẫn chưa thể đưa ra thị trường thiết bị thương mại. Thực hư câu chuyện Apple ra mắt iPhone gập tương tự như Galaxy Z Fold, Z Flip của Samsung có thể còn gây tranh cãi, nhưng động thái đi chậm hơn các nhà phát triển khác hiện nay là thực tế đáng thất vọng với những người đam mê công nghệ mới.
Về phía ngược lại, Samsung đã tung ra đến đời thứ 5 của các sản phẩm smartphone gập đồng thời ngày càng hoàn thiện hơn về thiết kế, cấu tạo, màn hình và một hệ sinh thái app thích hợp cho màn hình gập. Sự đón nhận nồng nhiệt của người dùng đối với Samssung Z Flip 5 và Z Fold 5 là dấu hiệu cho thấy người dùng yêu chuộng những sản phẩm “dẫn đầu về công nghệ” hơn là sản phẩm theo đuôi, lạc hậu.
Đối với các sản phẩm chưa ra mắt của Apple xuất hiện qua những đợt rò rỉ thông tin liên quan đến hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền, xin cấp bằng sáng chế hay xin chứng nhận đạt chuẩn… đều có thể nhìn thấy bóng dáng của một sản phẩm nào đó đang có sẵn trên thị trường. Điều đó cho thấy “kẻ theo đuôi công nghệ” vẫn “kiên định” với con đường đi sau, một kiểu làm sản phẩm không xứng tầm với vị thế công ty ngàn tỷ đô.
Tiền không phải là tất cả
Thực sự thì Apple vẫn đang kiếm tiền tốt nhưng họ cũng thường bị châm biếm bằng thuật ngữ “hút máu” người dùng với những phụ kiện đắt đỏ; bằng hệ sinh thái ngày càng “gắn chặt” để người dùng phải đi theo. Song, động lực phát triển của thế giới phải là đổi mới và sáng tạo. Nếu chỉ chăm chăm kiếm tiền mà bỏ qua đổi mới sáng tạo thì tấm gương về sự sụp đổ của các “ông lớn công nghệ” trong thời gian qua vẫn còn nguyên giá trị.
Thương hiệu Apple vẫn có sức hút nhất định, nhưng điều đó không phải đến từ khả năng sáng tạo mà công ty đã thể hiện thời gian gần đây. Apple từng đi đầu và khởi động cho kỷ nguyên smartphone màn hình cảm ứng, nhưng giờ đây hãng đang tụt lại phía sau các nhà sản xuất điện thoại Android về khả năng sáng tạo, đổi mới và đưa những ý tưởng táo bạo vào thực tế để phục vụ người dùng.
Comments