Thành lập vào năm 1968, đến nay, Tập đoàn Intel đã trải qua hành trình đổi mới, sáng tạo hơn 50 năm với nhiều thành tựu nổi bật. Năm 2021 vừa qua đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày ra đời của vi xử lý Intel 4004, viên gạch đầu tiên cho những vi xử lý hiện đại ngày nay. Công nghệ của Intel đã và đang len lỏi vào tất cả mọi mặt trong đời sống, và mục tiêu trên hết của Intel là tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy sự tiến bộ của công nghệ nhằm cải thiện cuộc sống của mỗi người.
Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng như là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất ASEAN vào năm 2022 với mức tăng trưởng GDP hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường máy tính tại Việt Nam được trông chờ sẽ khôi phục trong nửa cuối năm 2023. Quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp vẫn đang diễn ra trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, viễn thông, và sản xuất.
Để đón đầu xu hướng này, Intel sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm và giải pháp mới và thiết thực tại Việt Nam. Các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, sản xuất, giáo dục, và dự án chính phủ sẽ nhận được sự ưu tiên của Intel nhiều hơn trong thời gian tới qua những giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tế. Tập đoàn cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác để mang đến những chương trình, sự kiện đến với người tiêu dùng. Trước mắt, sự kiện IT được đánh giá là có quy mô hàng đầu Việt Nam dành cho người tiêu dùng INTEL TECH CAMP sẽ trở lại trong năm nay sau thành công hồi tháng 9 năm ngoái với hơn 12.000 người tham dự.
Ở lĩnh vực sản xuất, nhà máy Intel Products Vietnam (IPV) đang đóng vai trò vô cùng quan trọng chiến lược IDM 2.0 và “4 năm, 5 tiến trình” mà CEO Pat Gelsinger công bố vào năm 2021. Với tầm nhìn “Kiến tạo tương lai cho cả Intel và Việt Nam”, Intel đã đầu tư tổng cộng 1,5 tỷ USD vào nhà máy tại Việt Nam, tạo ra khoảng 6,500 việc làm ở lĩnh vực công nghệ cao (trong đó có khoảng 2,400 nhân sự chính thức trực thuộc Intel), và đóng góp 76,3 tỷ USD giá trị xuất khẩu từ năm 2010 đến nay.
Trong quý I/2023, Intel chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP), 15% kim ngạch xuất khẩu linh kiện/điện tử của cả nước, và khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong suốt thời gian hoạt động đến nay, IPV đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận như xuất xưởng hơn 3,5 tỷ đơn vị sản phẩm; sản xuất vi xử lý Intel Core thế hệ 13 mới nhất và sẵn sàng để tham gia vào quy trình sản xuất vi xử lý Meteor Lake từ cuối năm 2023; hỗ trợ đào tạo nhân lực công nghệ cao thông qua Chương trình Liên minh giáo dục kỹ thuật đại học (HEEAP2.0); hỗ trợ Tổng cục Hải quan ứng dụng giải pháp e-Custom, thực hiện trao đổi dữ liệu hải quan điện tử liên tục cho chuỗi cung ứng; nhà máy IPV cũng đã hai lần nhận được danh hiệu IQA (Intel Quality Award) năm 2016 và 2022, đây là giải thưởng nội bộ dành cho những đơn vị đại diện và tiên phong cho những giá trị mà Intel hướng đến; năm 2017, nhà máy IPV cũng vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng ba từ Chủ tịch nước.
Về trách nhiệm xã hội, Intel và Intel Foundation luôn hướng đến những chương trình liên kết và hợp tác sáng tạo để tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng và thế giới để thực hiện cam kết “Do Something Wonderful” (Cùng thực hiện những điều tuyệt vời). Tại Việt Nam, Intel đã đầu tư khoảng 22 triệu USD vào các chương trình hỗ trợ giáo dục, môi trường, an toàn và sức khỏe, trong đó có 10 tỷ đồng hỗ trợ Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19. Hơn 60% nhân viên của tập đoàn là tình nguyện viên của những chương trình CSR và họ đã cống hiến hơn 200.000 giờ để làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống.
Thời gian qua, IPV cũng đã nỗ lực để giảm thiểu những tác động đến môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững. Nhà máy của Intel tại Việt Nam đã tiết kiệm hơn 40 triệu KWH điện; sử dụng 2,68 triệu KWH điện xanh; giảm phát thải ròng hơn 13.500 tấn carbon; xử lý và tái chế 100% chất thải nguy hiểm; tái chế 95% rác thải; tiết kiệm và tái chế 1 triệu m3 nước.
Comentarios