Hôm nay ngày 1 tháng 2, Google Tìm Kiếm tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh, nữ tổng biên tập tờ báo dành cho phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam trên trang chủ Google. Thông qua việc tôn vinh bà, Google mong muốn đề cao tài năng và vai trò của nữ giới trong xã hội, cổ vũ người phụ nữ nói lên tiếng nói và lan tỏa sức ảnh hưởng của mình. Cũng vào ngày này năm 1918, ấn phẩm đầu tiên của tờ Nữ Giới Chung (còn có nghĩa là “Tiếng chuông của nữ giới”) do Sương Nguyệt Anh làm chủ biên được xuất bản.
Google tôn vinh nhà thơ Sương Nguyệt Anh trên trang chủ Google Tìm Kiếm
Sương Nguyệt Anh, tên khai sinh là Nguyễn Thị Ngọc Khuê, sinh năm 1864 tại làng An Bình Đông, tỉnh Bến Tre. Cha của bà, Nguyễn Đình Chiểu, là một nhà thơ và thầy giáo đã dạy cho bà cách đọc và viết cả chữ Hán và chữ Nôm từ thuở nhỏ. Từ đó, Nguyệt Anh bắt đầu làm thơ và sáng tác. Nhằm tôn vinh một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của bà là bài “Cây mai”, Doodle kết hợp chất liệu và màu sắc từ cây và hoa mai để vẽ nên.
Vài thập kỷ tiếp theo là quãng thời gian đau thương đối với Nguyệt Anh. Cha bà qua đời năm bà 24 tuổi, bà và anh trai đứng ra tiếp quản trường học của ông để dạy học cho người dân địa phương. Sau đó, bà chuyển đến Rạch Miễu, thành phố Mỹ Tho, kết hôn và sinh được một cô con gái. Hai năm sau đó, chồng bà qua đời.
Bà trở thành nữ tổng biên tập đầu tiên tại Việt Nam khi bắt đầu viết cho tờ Nữ Giới Chung ở Sài Gòn dưới bút danh Sương Nguyệt Anh với ý nghĩa “Nguyệt Anh góa chồng”. Nhiều số báo nói về vai trò của phụ nữ trong văn hóa và xã hội, tập trung giải thích đưa ra những quan điểm về vấn đề phụ nữ, từ đó giải thích, tranh luận và làm rõ quan niệm về phụ nữ. Bên cạnh đó, việc Nữ Giới Chung đề cập đến một số vấn đề văn hóa xã hội, thông tin thời sự trong nước và quốc tế,... đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho nội dung tờ báo.
Sương Nguyệt Anh được nhớ đến với sự thông thái và nhân cách trong sáng cũng như sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Bà giữ mối quan hệ tốt và đối xử tôn trọng với mọi người ở mọi tầng lớp khác nhau. Bà cũng là người tiên phong mở đường cho các thế hệ nhà văn và biên tập nữ ở Việt Nam sau này. Tên của bà được đặt cho một số con đường tại các thành phố như Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Lạt.